HOTLINE: 0938033396

Phép thử với mía đường

13/08/2014 | 2639 |
0 Đánh giá
Phép thử với mía đường

(Baodautu.vn) Mặc dù Bộ Công thương vừa tạm ngừng cấp phép hoạt động tạm nhập - tái xuất đường qua cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nhưng doanh nghiệp ngành mía đường vẫn chưa thực sự yên tâm khi đồng loạt đề nghị cơ quan quản lý sớm ngừng cấp phép hoạt động này trên phạm vi toàn quốc.

Động thái trên cho thấy, doanh nghiệp mía đường, sau nhiều năm được hưởng ưu đãi về lãi suất vốn vay, về điều kiện phát triển vùng nguyên liệu... vẫn thuộc diện dễ tổn thương. Thực trạng trên còn cho thấy, ngay cả khi ngăn chặn được một cách tuyệt đối đường thẩm lậu từ tạm nhập, tái xuất, thì áp lực với doanh nghiệp ngành mía đường mới tạm lùi xa, bởi thời hạn hội nhập đã cận kề.

Hàng năm, các nhà máy đường “nội” sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn đường, thừa sức đáp ứng thị trường trong nước. Song đó mới là lượng. Riêng về giá, mỗi ki-lô-gam đường sản xuất trong nước hiện đắt hơn gần 4.000 đồng so với giá bình quân của khoảng 400.000 tấn đường nhập lậu vào Việt Nam mỗi năm.    

Khi doanh nghiệp ngành mía đường còn loay hoay đối phó với đường lậu, thì ngành đường lại sắp đứng trước thách thức khổng lồ bởi chỉ vài năm tới, đường nhập khẩu giá rẻ chính ngạch sẽ cấp tập đổ vào Việt Nam.

Cần phải nhắc lại rằng, mặc dù phải chịu thuế khá cao, song đường nhập khẩu đang cạnh tranh ngang ngửa với đường sản xuất trong nước. Theo biểu thuế hiện hành, thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho đường trong hạn ngạch thuế quan là 5% từ các nước ASEAN và 25 - 40% đối với đường nhập khẩu ngoài ASEAN. Thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch còn cao hơn: 80% đối với đường thô và 85% đối với đường trắng.

Chính vì vậy, “khả năng đổ vỡ của doanh nghiệp ngành đường” – như một số ý kiến nhận định – không phải không có cơ sở. Lý do là theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định Hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ ngày 01/01/2015, thuế nhập khẩu đường vào Việt Nam sẽ giảm còn 0%. Bên cạnh đó, khi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, thì không chỉ ASEAN, đường Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với rất, rất nhiều đối thủ nặng ký đến từ các quốc gia khác nữa.

Còn nhớ, cuối năm 2013, cả ngành mía đường trong nước đã ầm ầm phản đối khi Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa bày tỏ ý định bán 30.000 tấn đường cho CTCP Đường Biên Hòa “tạm mượn địa điểm” để tinh luyện rồi tái xuất sang Trung Quốc. Vì sao vậy?

Đơn giản bởi lẽ, lâu nay, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mía đường trong nước rất yếu, năng suất, chất lượng mía thấp, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất kém, quy mô nhỏ… Và thay vì áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ thuật cao vào quá trình sản xuất, áp dụng các tiêu chí mới để quản lý, nhiều doanh nghiệp trong ngành chỉ trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Sự trì trệ chính là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất khá cao. Rất dễ nhận thấy là lâu nay, doanh nghiệp mía đường trong nước vẫn quẩn quanh với dây chuyền sản xuất lạc hậu, giống mía năng suất thấp, lối canh tác và thu hoạch thủ công, tốn thời gian, nhân lực, chi phí… Hệ quả là hiệu quả đầu tư thấp, giá thành cao, ngành mía đường không thể bứt phá.

Đã đến lúc doanh nghiệp ngành mía đường phải nghiêm túc nhìn lại mình, tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp hiện đại không chỉ dựa vào lợi thế đất đai, mà phải biết dựa vào sức mạnh công nghệ. Việc HAGL áp dụng công nghệ cao để trồng mía tại Lào hay TH True Milk đầu tư thành công trang trại bò sữa tại Nghệ An là minh chứng cho sức mạnh của nông nghiệp công nghệ cao.

Chống hàng lậu để đảm bảo công bằng cho thị trường là giải pháp cần thiết, nhưng trên một bình diện khác, việc cơ quan quản lý cho phép HAGL nhập đường vào Việt Nam có thể xem là phép thử và là lời cảnh báo cho những doanh nghiệp mía đường trong nước chậm đổi mới, nhất là khi thời điểm hội nhập hoàn toàn đã cận kề.

Hà Tâm

------------------------------------------------------------

Đường Cát Trắng

www.DuongCatTrang.com

0938 033 396 (Mr. Tín)

 


Tin tức liên quan

Bình luận