HOTLINE: 0938033396

Đường, ô tô chịu áp lực lớn nhất khi hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN

23/09/2015 | 2605 |
0 Đánh giá
Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế vừa đề nghị các bộ, ngành góp ý dự thảo Tờ trình Chính phủ về kết quả đề án “Tình hình thực thi cam kết Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC) của Việt Nam và giải pháp”.

Theo dự thảo, khi AEC hình thành vào cuối năm 2015, một số ngành như sữa, vật liệu xây dựng, thép… có thêm cơ hội mở rộng thị trường ra khu vực. Những ngành sẽ chịu tác động đáng kể nằm trong nhóm sản phẩm nhạy cảm cao được hưởng hàng rào bảo hộ thuế, phi thuế trong suốt thời gian qua, đặc biệt đường, ô tô.

cong dong kinh te asean

Cộng đồng kinh tế ASEAN

Cụ thể, dự thảo nhận định, ngành mía đường sức cạnh tranh yếu do năng suất thấp và chất lượng kém. Đây là ngành được hưởng chính sách bảo hộ kép bằng cả thuế tới 80% và hạn ngạch thuế quan (Quota). Việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu vào năm 2018 và giảm thuế về 5% sẽ đặt ngành mía đường trước áp lực cải cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên, việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành mía đường là yêu cầu bức thiết của nền kinh tế vì đây là nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất thực phẩm thiết yếu (bánh kẹo, sữa, giải khát…). Giá đường hạ sẽ nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm này và cải thiện phúc lợi của người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp.

Ngành ô tô của Việt Nam cũng chịu áp lực lớn do còn non yếu cả về quy mô công nghệ và năng lực. Lộ trình thuế nhập khẩu ô tô trong ASEAN đã bắt đầu giảm từ mức 70% năm 2012 xuống mức 50% năm 2014 và mỗi năm tiếp theo giảm 10% để về 0% vào năm 2018. Nhập khẩu ô tô và linh kiện phụ tùng ô tô từ ASEAN sẽ có xu hướng tăng dần. Lộ trình cắt giảm dần đều nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có thời gian chuẩn bị để thích nghi dần với cạnh tranh khu vực.

"Thuế ô tô giảm sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải đầu tư nâng cao năng lực, cắt giảm chi phí… Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội giảm giá thành do phí vận tải đường bộ hiện chiếm tỷ trọng đáng kể trong giá thành sản phẩm" - dự thảo nêu.

Đối với thép, công suất sản xuất các sản phẩm thép thô chỉ đứng sau Malaysia với sản lượng thép thô trung bình đạt 5,6 triệu tấn/năm. Việt Nam xuất khẩu thép thô sang các nước khu vực. Đồng thời chúng ta nhập khẩu các sản phẩm sắt thép đặc dụng từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Về cơ bản, việc cắt giảm thuế quan trong khu vực ASEAN dự báo sẽ không có tác động nhiều tới ngành thép trong thời gian tới.

Chăn nuôi sẽ không chịu tác động đáng kể từ xóa bỏ thuế quan ASEAN do lượng thịt nhập khẩu từ ASEAN chỉ chiếm tỷ trọng 1,7-1,8% trong tổng nhập khẩu cả nước.

Sữa và sản phẩm sữa chủ yếu nhập khẩu từ Australia, EU, các nước tham gia TPP… nên ngành sữa trong nước sẽ chịu tác động cạnh tranh từ các thỏa thuận với các đối tác này chứ không phải từ cam kết ASEAN. So với các nước trong khu vực, công nghiệp chế biến sữa của chúng ta khá phát triển và có cơ hội mở rộng thị trường khu vực khi AEC vận hành.

Gạo là mặt hàng vẫn có sức cạnh tranh. Với lộ trình giảm thuế trước mắt thì các sản phẩm gạo thông thường vẫn duy trì một số lợi thế khi xuất khẩu sang thị trường ASEAN.

Để thực hiện các cam kết trong AEC, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 165/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2015-2018.

Theo đó, từ ngày 1/1/2015, Việt Nam đã loại bỏ thuế quan đối với xấp xỉ 90% tổng số dòng thuế trong Biểu thuế xuất nhập khẩu. 7% số dòng thuế còn lại sẽ được đưa về 0% vào năm 2018, trong đó, chủ yếu bao gồm các mặt hàng nhạy cảm như ô tô, xe máy và phụ tùng linh kiện, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, sữa và các sản phẩm sữa…

Sau khi hoàn thành, lộ trình xóa bỏ thuế quan trong ASEAN vào năm 2018, Việt Nam sẽ tự do hóa 98,01% tổng số dòng thuế.

Theo CafeF

------------------------------------------------------------

Đường Cát Trắng

www.DuongCatTrang.com

0938 033 396 (Mr. Tín)

 


Tin tức liên quan

Bình luận