Nông dân bỏ mía chuyển nuôi tôm - lúa cho hiệu quả gấp đôi
Vài năm trở lại đây, giá mía bấp bênh khiến người dân vùng quy hoạch trồng mía tỉnh Cà Mau lao đao. Một số bà con đánh liều bỏ cây mía, xé rào chuyển đổi qua thực hiện mô hình tôm - lúa (làm 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm).
Giá mía liên tục bất ổn, nhiều nông dân Cà Mau đã bỏ mía chuyển sang nuôi tôm.
Qua thời gian, mô hình đã dần chứng minh được hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, chính quyền địa phương cũng đã quy hoạch lại vùng “rốn mía” để người dân phát triển sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao giá trị.
Thời thịnh của cây mía tại Cà Mau vào khoảng trước những năm 2000 khi diện tích trồng lên đến 7.000 ha, nhằm mục đích cung cấp nguyên liệu cho Công ty CP Mía đường Tây Nam. Nhiều vùng đất của các xã thuộc huyện Thới Bình: Trí Lực, Trí Phải, Biển Bạch, Biển Bạch Đông, cây mía vươn cao tươi tốt.
Sau đó, có chủ trương thực hiện chuyển đổi, nước mặn về đồng ngọt, những vuông tôm lấn dần đất mía. Đến khoảng năm 2010, diện tích mía của tỉnh còn khoảng 2.900 ha. Đến năm 2014, giá mía nguyên liệu xuống tới đáy, thậm chí nhiều nơi thương lái chẳng buồn ngó. Nông dân đốt mía chuyển qua nuôi tôm.
Gia đình bà Nguyễn Thị Ơn (ấp 11, xã Biển Bạch) là một trong nhiều hộ dân bỏ mía nuôi tôm thời điểm đó cho biết, giá mía quá thấp, chỉ 500 đồng/kg khiến việc trồng mía thua lỗ nặng, gia đình bà đã phải chuyển qua nuôi tôm từ cách đây 3 năm. “Gia đình mướn phương tiện đào ao nuôi tôm trên diện tích 8 ha mía. Sau 3 năm chuyển đổi sang canh tác lúa - tôm gia đình, vụ thu hoạch mới đây, sau khi cho con trai 2 ha đất vẫn có nguồn thu khoảng 100 triệu đồng, trong khi không phải bón phân, tước lá, làm cỏ, vun gốc như trồng mía”, bà Bảy Ơn trải lòng.
Ở cách đó không xa, gia đình bà Nguyễn Thị Cẩm, ấp 11, xã Biển Bạch cũng vừa buông bỏ gánh nặng vườn mía chuyển qua làm tôm – lúa năm 2016. Bà Cẩm kể: Mấy năm trước thấy bà con chuyển đổi mạnh cũng ham nhưng còn chưa dám làm vì ngại chính quyền địa phương. Mấy năm nay, cây mía cứ mất dần, ruộng mía của ấp chỉ còn đếm trên đầu ngón tay nên gia đình cũng theo thời thế.
Tuy nhiên, do gắn bó với cây mía đã nhiều năm, bà Cẩm cũng không đành bỏ hết. Trên diện tích 46 công đất, bà Cẩm chỉ chuyển 30 công qua làm tôm – lúa, diện tích còn lại vẫn trồng mía. “Vừa qua sau khi thu hoạch lúa được hơn 100 giạ, gia đình đã thả vụ tôm đầu tiên, đến nay đã thu hoạch thêm được hơn 40 triệu tiền tôm. Còn diện tích 16 công mía còn lại, do giá cả thất thường lại ít chăm bón nên có nguy cơ lỗ”, bà Cẩm nói.
Mô hình tôm – lúa đã chứng minh được hiệu quả
Nói về thực trạng việc bỏ mía sang trồng lúa, nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, hiện tỉnh không còn quy hoạch vùng mía nguyên liệu tại địa phương, nên diện tích mía còn lại chỉ vào khoảng 700 ha, tập trung hoàn toàn tại huyện Thới Bình. “Phần diện tích mía còn lại được định hướng chuyển đổi qua làm mô hình tôm – lúa hoặc trồng hoa màu với hiệu quả cao hơn”, ông Tranh cho hay.
Là người ngắn bó với ngành nông nghiệp địa phương hơn 20 năm, ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình nêu thực trạng, các vườn mía còn lại trên địa bàn đều nằm đan xen với các vuông tôm nên dễ bị nhiễm mặn, giảm năng suất. Trong khi đó, thời gian vừa qua giá mía bấp bên nên đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn.
Ngược lại, với mô hình tôm - lúa đã cho lợi nhuận trung bình từ 50 – 60 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 1,5 – 2 lần trồng mía. Đặc biệt, trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, huyện Thới Bình không thực hiện quy hoạch diện tích mía mà sẽ có chủ trương chuyển đổi.
“Trên thực tế, hiệu quả từ việc trồng lúa và nuôi tôm cao hơn trồng mía đến 2 lần. Đặc biệt với tình hình biến đổi khí hậu, hạn mặn như hiện nay, việc trồng mía gặp nhiều khó khăn và giá mía thiếu ổn định, trong chương trình phát triển của huyện sẽ không tính đến việc quy hoạch lại vùng mía”, ông Lâm chia sẻ.
Mô hình tôm - lúa từ lâu đã chứng minh được hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, sau mùa hạn mặn lịch sử năm 2015 – 2016, mô hình này lại càng khẳng định được tính bền vững của mình.
Sự cởi mở trong quy hoạch của chính quyền Cà Mau đã giúp bà con vùng “rốn mía” Thời Bình tháo gỡ khó khăn để sản xuất đạt lợi nhuận cao hơn trên cùng một đơn vị diện tích. Đây chính là cú hích giúp người nông dân yên tâm canh tác, chuyển đổi qua thực hiện những mô hình bền vững, hiệu quả hơn.
VOV
------------------------------------------------------------
Đường Cát Trắng
0938 033 396 (Mr. Tín)
Xem thêm