HOTLINE: 0938033396

Dùng bã mía lên men với các dòng vi sinh vật có lợi để xử lý môi trường ao nuôi tôm

07/08/2019 | 1922 |
0 Đánh giá

Ý tưởng dùng bã mía lên men với các dòng vi sinh vật có lợi để xử lý môi trường ao nuôi tôm, anh Hậu đã đạt giải Nhì tại Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm 2018.

Bù lỗ để đổi lấy lòng tin khách hàng

Trần Phúc Hậu sinh năm 1988, trong một gia đình nghèo ở vùng đất ven biển huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Chứng kiến bố mẹ cũng như những người nông dân quê mình hàng ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn không giàu lên được do thường xuyên chịu tác động về thị trường và biến đổi khí hậu. Từ đó, Hậu luôn nung nấu ý định phải làm gì đó để giúp người dân quê hương.

Năm 2006, anh thi đỗ khoa bác sĩ Đa khoa tại Đại học Y Dược Cần Thơ, nhưng với máu kinh doanh sẵn có, học được 2 năm anh bỏ giữa chừng để chuyển sang theo học Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp đại học, Hậu trở về quê làm việc và dành nhiều thời gian tìm hiểu về kinh tế nông nghiệp của địa phương.

 

Anh Trần Phúc Hậu – với dự án dùng bã mía lên men.

Nhận thấy tiềm năng và thế mạnh của Bến Tre là nghề nuôi tôm. Năm 2014, anh bắt tay vào lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y. Tuy nhiên, một năm sau công việc kinh doanh của anh gặp biến cố lớn khi trong vùng xảy ra dịch bệnh trên tôm, khiến toàn bộ khách hàng nợ tiền của anh không thể trả. Hậu lúc này trở thành con nợ của các nhà cung cấp với món tiền hơn 200 triệu đồng.

Không đầu hàng thất bại, anh bắt đầu nghiên cứu cách chữa bệnh cho tôm và vô tình phát hiện cách sử dụng nguồn bột bã mía lên men với các dòng vi sinh vật có lợi để xử lý môi trường ao nuôi tôm. Anh quyết tâm tái khởi nghiệp với ý tưởng này bằng số vốn ít ỏi là 10 triệu đồng, tự mò mẫm đến các cửa hàng nước giải khát quanh vùng để gom bã mía. Nhưng khó khăn vẫn chưa dừng lại với chàng trai trẻ khi mẻ bã mía đầu tiên có tới 60% không lên men. Sau nhiều lần điều chỉnh thời gian, nhiệt độ, thay đổi loại men, cuối cùng Hậu cũng sản xuất được mẻ men bã mía đạt yêu cầu.

Để chứng minh, Hậu áp dụng luôn cho ao nuôi tôm của gia đình. Tiếp sau đó anh chấp nhận bù lỗ hơn một năm, thuyết phục người dân dùng miễn phí để trải nghiệm sản phẩm.

“Sau khi có sự đối chứng với những ao không dùng sản phẩm, ao dùng sản phẩm tiết kiệm được hơn 30% chi phí, mang lại lợi nhuận 100 triệu đồng/1.000 m2” – Hậu cho biết. Nhờ tạo được niềm tin, sự hài lòng cao của người tiêu dùng, nhiều người nuôi tôm trên địa bàn và các vùng lân cận đã chuyển đổi thói quen từ sử dụng thuốc hóa học sang chế phẩm vi sinh bột bã mía.

Nâng cao giá trị con tôm

Công việc kinh doanh ngày càng thuận lợi, lượng bột bã mía vi sinh được tiêu thụ ngày càng nhiều, Hậu thành lập Công ty THNH SX TM Thủy sản Đại Thành. Để chủ động nguồn nguyên liệu, Hậu ký hợp đồng với nhà máy đường mua bã mía về sản xuất. Hiện tại, sản phẩm vi sinh bột bã mía của Đại Thành đã phục vụ hầu hết các địa phương nuôi tôm của Việt Nam.

Với sản lượng tiêu thụ năm 2019 ước đạt hơn 400 tấn. Theo tính toán, nếu trừ chi phí nhân công, nguyên liệu, sẽ thu lợi nhuận khoảng 2.000 đồng/kg. Năm 2019, công ty cơ bản hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, cũng như cơ sở pháp lý cho sản phẩm và có kế hoạch phát triển hệ thống bán lẻ trên toàn bộ các tỉnh nuôi tôm ở miền Tây, đồng thời đặt mục tiêu nâng sản lượng lên 1.000 tấn.

Phân tích về ưu điểm và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, Hậu cho biết: Sản phẩm vi sinh bột bã mía Đại Thành với phương pháp lên men từ các dòng vi sinh vật có lợi, sẽ thực hiện chức năng chính là phân hủy các chất hữu cơ dư thừa trong ao nuôi, từ đó giúp ngăn ngừa các khí gây độc cho tôm.

Ngoài ra, các hạt bột bã mía trong sản phẩm sẽ tự nhiên lơ lửng trong ao nuôi, dễ dàng kết hợp với các vật chất khác tạo thành các hạt “floc” để làm thức ăn tự nhiên cho tôm. Ngoài ra, vi sinh bột bã mía Đại Thành có giá thành thấp hơn các sản phẩm vi sinh khác, giúp cho người nông dân nuôi tôm hạn chế sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất trong phòng và điều trị bệnh cho tôm nuôi, nâng cao giá trị con tôm Việt Nam.

Trần Phúc Hậu phấn khởi chia sẻ, hiện nay đã có một số đối tác Nhật Bản đến thăm quan mô hình và cam kết sẽ thu mua tôm của công ty trong năm 2019 để xét nghiệm tiêu chuẩn, tiến hành nhập khẩu vào Nhật Bản với sản lượng tôm sạch đạt 10 tấn/tháng.

Tầm nhìn của Công ty Đại Thành đến năm 2025 sẽ trở thành một công ty lớn mạnh của Việt Nam trong ngành nuôi tôm thâm canh, mở rộng chuỗi cung cấp từ vật tư nuôi trồng, nuôi tôm theo hướng sạch và cung cấp sản phẩm tôm sạch.

theo Kinh Tế Đô Thị

Phương Nga

------------------------------------------------------------

Đường Cát Trắng

www.DuongCatTrang.com

0938 033 396 (Mr. Tín)

 


Tin tức liên quan

Bình luận