HOTLINE: 0938033396

Mía đường Sơn La tồn kho 40.000 tấn đường trị giá gần 500 tỷ đồng

15/07/2019 | 1184 |
0 Đánh giá

Niên vụ 2018 - 2019 là niên vụ thứ ba liên tiếp ngành đường gặp khó khăn khi giá đường xuống thấp, thậm chí có thời điểm ở dưới mức giá thành sản xuất. Hiện Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La (Mã: SLS) đang tồn 40.000 tấn đường trị giá gần 500 tỷ đồng.

Cầm cự... hòa vốn

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Giảm đốc Nhà máy Chế biến đường của Mía đường Sơn La, tính đến thời điểm hiện tại (5/7) tồn kho đường của công ty đã lên tới 40.000 tấn đường, tương đương với 50% tổng lượng đường mà công ty sản xuất được trong niên vụ qua. Số đường tồn kho này tương đương với 500 tỉ đồng, bằng với lượng tiền trung bình mà công ty thanh toán cho người nông dân trong một vụ sản xuất.

Ông Tài cho biết mặc dù hiện nay giá mía mà Công ty thu mua của nông dân là 800.000 đồng/tấn, người dân vẫn lãi 100.000 - 200.0000 đồng/tấn, đồng thời là mức giá cao nhất nước, nhưng trong ba năm trở lại đây giá thu mua mía liên tục giảm từ 950.000 đồng/tấn (2016 - 2017) xuống 900.000 đồng/tấn (2017 - 2018) và niên vụ năm nay chỉ còn 800.000 đồng/tấn.

 

Đường trắng Sơn La tồn kho

"Giá thu mua mía tại ruộng là 800.000 đồng/tấn, cộng thêm các chi phí vận chuyển về đến nhà máy, bốc vác... tổng cộng là 900.000 đồng/tấn. Nếu giá đường vẫn giữ ở mức thấp như hiện nay mà không quản lí tốt, Mía đường Sơn La sẽ lỗ chứ chưa dám nói là hòa vốn.

Tồn kho lớn như hiện nay cũng ảnh hưởng lớn đến nông dân. Nhà máy không tiêu thụ được đường thì lấy đâu ra tiền để trả cho người trồng mía?", ông Tài nói.

Ông Tài cho hay nguyên nhân khó khăn kéo dài trong ba năm qua do đường nhập lậu tràn vào nhiều, gây áp lực lên giá đường trong nước. Bên cạnh đó, có hiện tượng gian lận thương mại tạm nhập đường nhưng không tái xuất mà tiêu thụ ngay trong thị trường nội địa.

Theo Báo cáo Tài chính quý III năm tài chính 2018 - 2019, giá bán đường trung bình bán ra của Mía đường Sơn La phải bán lỗ khoảng 500 đồng/kg đường.

Giải pháp nào để tháo gỡ?

Là một người gắn bó lâu năm với ngành mía đường, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường MK, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn mía đường Lộc Hằng lo lắng: “Với tình hình trên, doanh nghiệp chịu thiệt hại một thì người nông dân chịu thiệt hại mười vì nhiều năm gắn bó với cây mía được bao tiêu đầu ra, giờ trồng cây gì cũng khó tránh khỏi tình trạng không ổn định vì phải phụ thuộc diễn biến thị trường”.

Đưa ra giải pháp cho ngành mía đường, ông Nguyễn Văn Lộc chỉ ra rằng các nước như Philippin, Indonesia hiện nay vẫn duy trì mức thuế đường nhập khẩu 5%, mặc dù đã gia nhập Hiệp định ATIGA 4 năm qua. Thêm vào đó họ vẫn giữ giá mía ở mức người nông dân vẫn xem cây mía là thu nhập chính, đảm bảo cuộc sống cho họ.

Mặt khác, ông Lộc cho rằng, Việt Nam cần có biện pháp cứng rắn với đường nhập lậu. Tính đến nay, đường nhập lậu đã hoành hành ở nước ta 20 năm. Có những giai đoạn chúng ta đã ít nhiều kiểm soát đước vấn nạn này. Cụ thể như vụ bắt giữ trùm buôn lậu đường đã có những tác động lớn đến tình hình đường nhập lậu lúc bấy giờ. Theo các doanh nghiệp đường trong nước, giai đoạn này tình trạng buôn lậu đường giảm mạnh. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, mọi thứ gần như “bắt cóc bỏ dĩa”, tình trạng đường lậu lại trở nên không thể kiểm soát. “Điều này chứng tỏ, một khi luật pháp thể hiện được tính nghiêm minh thì đường nhập lậu sẽ giảm hẳn” – ông Lộc nói.

Câu chuyện khó khăn của ngành mía đường bao năm qua đã được người dân, doanh nghiệp phản ánh rất nhiều. Đã có rất nhiều hội thảo, hội nghị được tổ chức để mổ xẻ, phân tích tìm nguyên nhân, giải pháp cho ngành đường. Thế nhưng, những khó khăn, những tồn tại, yếu kém, bất cập… của ngành mía đường vẫn dai dẳng dường như không hề giảm.

Hơn lúc nào hết, hàng ngàn hộ dân trồng mía trên cả nước bao đời gắn bó với cây mía lại đang sống trong cảnh lo âu thấp thỏm vì đứng trước nguy cơ phải xóa bỏ cây mía do giá bán giảm sâu, thua lỗ kéo dài. Cây mía bao đời nay vẫn được xem là loại cây xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt với đồng bào dân tộc ít người, cây mía luôn được xem là cây trồng chủ lực nuôi sống cả gia đình. Nếu phải bỏ cây mía đồng nghĩa với việc người dân không thể có thu nhập, nguy cơ tái nghèo tăng cao và như vậy vấn đề bảo đảm an ninh xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng không hề nhỏ.

Thiết nghĩ, “gỡ” nút thắt cho ngành mía đường giờ đây đã nằm ngoài tầm của người dân và mỗi doanh nghiệp. Đã đến lúc Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương… có liên quan vào cuộc đánh giá một cách nghiêm túc, cụ thể, rõ ràng, minh bạch bản chất những vấn đề doanh nghiệp đã nêu, từ đó mới có thể đưa ra được các quyết sách đúng và trúng đối với phát triển ngành mía đường.

Theo Petrotimes

M.L

------------------------------------------------------------

Đường Cát Trắng

www.DuongCatTrang.com

0938 033 396 (Mr. Tín)

 


Tin tức liên quan

Bình luận