HOTLINE: 0938033396

Đừng để nông dân trồng mía “chết” vì hội nhập

13/07/2019 | 1218 |
0 Đánh giá

“Hàng triệu nông dân trồng mía của các bạn đang có nguy cơ bị hất ra ngoài cuộc chơi hội nhập, tại sao các bạn không hành động ngay”.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên NTNN/Dân Việt, Ông Antoine Meriot - một chuyên gia người Pháp nhiều năm nghiên cứu về ngành công nghiệp mía đường - liên tục đưa ra lời cảnh báo.

Tài liệu nghiên cứu mà Antoine đưa tôi xem là một bản slide không quá dài, nhưng những biểu đồ, những con số được cập nhật từ những năm 1990 đến tận 2019 cho thấy sự dày công nghiên cứu của ông về ngành công nghiệp mía đường thế giới.

Đây là lần đầu tiên Antoine đến Việt Nam. Nghiên cứu về ngành công nghiệp mía đường Việt Nam của Antoine nằm trong mối quan tâm chung của ông với hơn 120 quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Thái Lan. Antoine vốn là một chuyên gia nghiên cứu độc lập. Các công trình nghiên cứu của ông không chỉ được sử dụng trong các phiên điều trần về ngành mía đường tại Quốc hội Mỹ mà còn được Brazil sử dụng để kiện Thái Lan ra WTO.

Khuyến cáo của Antonie khiến tôi suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn trong tiếp cận vấn đề ngành mía đường.

Ở nhiều nơi, mía từng được coi là "cây xóa nghèo". Nếu không trồng mía, nguy cơ tái nghèo hiện hữu. Ảnh: ML

Thực tế, báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam cho thấy, liên tiếp 3 vụ mía gần đây, giá mía xuống thấp do nhà máy ế hàng, tồn kho tăng, giảm công suất ép. Bà con nông dân bỏ mía ngày càng nhiều. Bỏ mía rồi một số chuyển sang trồng cây khác như cam, chanh leo, mì, ngô... nhưng đầu ra bấp bênh, nhiều loại không có nơi tiêu thụ. Được mùa mất giá - điệp khúc này vẫn quen thuộc đến đau đớn.

Cuối tháng 6 vừa rồi, tôi có chuyến đi cùng đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đến 3 tỉnh miền Tây: Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng – những địa phương đang có diện tích trồng mía lớn nhất ở vùng ĐBSCL. Ở các huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), Cù Lao Dung (Sóc Trăng) – những nơi nhiều năm qua được coi là “thủ phủ” của cây mía giờ có phần xơ xác. Những người nông dân trồng mía tôi gặp trong chuyến đi ấy đã vẽ ra một tương lai không mấy sáng sủa cho từng gia đình, cũng như chính ngành mía đường của tỉnh ấy.

“Muốn bỏ cây mía vì lỗ quá. Nhưng bỏ mía rồi không biết trồng cây gì”, ông Đinh Văn Triệu – lão nông có thâm niên hơn 20 năm trồng mía ở Phụng Hiệp nhắc đi nhắc lại điệp khúc này trong cuộc trò chuyện.

Tương tự, Giám đốc HTX Hiệp Hưng - ông Võ Hoàng Anh thì thông tin rằng, gần đây nhiều hộ dân trong vùng đã giảm bớt diện tích mía, chuyển sang trồng cam để mong “lấy ngắn nuôi dài”. Nhưng cũng chỉ được một vài vụ có lãi, giờ lại không có đầu ra, giá cam thấp còn 6.000 – 7.000 đồng/kg, lỗ hơn trồng mía.

“Trước đây trồng mía khá lắm, bà con ăn nên làm ra nhờ cây mía. Nhưng trong 2-3 vụ gần đây thì giá mía xuống thấp trong khi chi phí vật tư, nhân công tăng, bà con lỗ quá trời, tính bỏ ruộng trống vì chưa tìm được cây thay thế”, Giám đốc HTX Hiệp Hưng cho biết.

Qua các kênh thông tin nào đó, ông giám đốc HTX Hiệp Hưng đã biết rằng nguyên nhân "đường lậu đang ngập tràn khiến mía đường trong nước lao đao". Ông nêu nhiều kiến nghị, chung quy là làm sao phải gỡ được thế bế tắc cho nhà máy, để họ thu mua mía, ép hết công suất, bà con nông dân trồng mía mới có cửa sống.

Cũng tại buổi làm việc hôm đó, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Thủy đã đề cập đến chuyện chuyển đổi cây trồng cho bà con nếu cây mía không còn đầu ra. “Nhất định phải chuyển đổi, không thể bắt nông dân ôm mãi cây mía khi khả năng tiêu thụ kém, giá thành thu mua thấp, càng trồng càng lỗ”, bà Thủy quả quyết.

Tương tự Hậu Giang, diện tích trồng mía ở Sóc Trăng, Trà Vinh cũng dần thu hẹp. Các nhà máy đường tại 2 tỉnh này đứng trước nguy cơ đóng cửa vì tồn kho quá cao, càng ép càng lỗ.

“Đường Thái Lan vào rẻ hơn đường mình cả ngàn đồng/kg. Không chỉ các hộ tiêu dùng lớn mà ngay cả những người tiêu dùng nhỏ lẻ cũng lựa chọn dùng đường Thái vì giá rẻ. Hiện đường tồn kho của các nhà máy Việt Nam lên đến cả trăm nghìn tấn”, ông Lê Hồng Thái - Phó chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam thông tin.

Nghiên cứu của ông Antoine Meriot chỉ ra rằng Thái Lan là nước có diễn biến sản xuất – tiêu thụ đường rất kỳ lạ  khi giá đường thế giới càng giảm, người Thái càng đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu. Ảnh: HL

Quay trở lại câu chuyện với Antoine, vị chuyên gia này cho biết, ông khá bất ngờ khi tiếp cận với các tài liệu nghiên cứu về ngành mía đường Việt Nam. Theo Antoine, trong hơn 120 quốc gia có ngành mía đường, Việt Nam có thể chiếm một vị trí không lớn. Nhưng thị trường tiêu thụ của Việt Nam rất tiềm năng, vượt cao hơn so với năng lực sản xuất của các nhà máy đường trong nước. “Vậy vì sao lại dẫn đến tình trạng đường nội địa tồn kho lớn, trong khi đường Thái Lan xâm chiếm thị phần kinh khủng đến thế”, Antoine đặt câu hỏi.

Khi tôi nêu vấn đề về chênh lệch giá đường Việt Nam – Thái Lan là nguyên nhân chính, Antoine đề nghị xem lại lý do giá đường Thái Lan xuất khẩu vào Việt Nam vì sao lại rẻ đến vậy.

Từ số liệu báo cáo của Hiệp hội mía đường Mỹ, với nghiên cứu độc lập của Antonie, ông chỉ ra rằng, trong 120 quốc gia có ngành công nghiệp mía đường, Thái Lan được coi là nước có diễn biến sản xuất – tiêu thụ kỳ lạ nhất khi giá đường thế giới ngày càng giảm, nhưng lượng sản xuất của Thái Lan tăng chóng mặt, với 70% dành cho xuất khẩu. Với những số liệu cụ thể, Antonie khẳng định giá đường Thái Lan nhờ được chính phủ trợ giá, trợ cấp rất lớn nên đang thấp hơn nhiều so với giá đường nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

“Họ đẩy mạnh xuất khẩu bằng mọi giá nhằm xâm chiếm thị trường. Đó là chiến dịch có chủ đích. Brazil từng kiện Thái Lan lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc này, tại sao Việt Nam không hành động?”, Antonie lại đặt câu hỏi.

Trước lập luận cho rằng, cam kết mở cửa tự do thương mại đồng nghĩa với việc chấp nhận cạnh tranh, Antoine quả quyết rằng với bất cứ quốc gia nào, mở cửa, hội nhập phải đi kèm với mục tiêu bảo vệ nền sản xuất trong nước, không để người dân nghèo đi vì hội nhập.

“Nếu để đường Thái thoải mái xâm chiếm thị trường Việt Nam như hiện nay, tôi cam đoan cái chết của ngành mía đường Việt Nam đang đến rất gần”, Antoine nói.

Với vai trò một chuyên gia nghiên cứu độc lập, Antoine luôn nhấn mạnh rằng ông không muốn đưa ra khuyến nghị cụ thể nào với chính phủ mỗi nước. “Nhiệm vụ của tôi là chỉ rõ những bất cập trong chính sách. Hành động như thế nào là tùy thuộc vào chính phủ của các bạn”.

Chúng ta sẽ hành động như thế nào trước nguy cơ đe dọa hiện hữu đối với ngành công nghiệp mía đường trong nước? Vấn đề này từng được gợi ra, với không ít ý kiến cho rằng, nên để nó cạnh tranh công bằng, không cạnh tranh được thì chấp nhận xóa sổ.

Cạnh tranh công bằng là khẩu hiệu quen thuộc khi chúng ta mở cửa thị trường. Chấp nhận xóa sổ cả một ngành sản xuất nếu nó không thể cạnh tranh, không thể lớn mạnh ở góc độ nào đó có thể coi là hợp lý.

Nhưng nếu ẩn sau đó là sự bất bình đằng trong chính sách của mỗi nước, ẩn sau sự canh tranh được gọi là “công bằng” nhưng sự thật là bất công đó là nguy cơ hàng triệu người nông dân trồng mía Việt Nam bị tái nghèo vì mở cửa, hội nhập... như vậy liệu chúng ta hội nhập có thành công? Như vậy có thực sự công bằng với người nông dân trồng mía Việt Nam?

Việt Nam và EU vừa ký kết thành công Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). Đây là cơ hội để Việt Nam mở cửa, hội nhập sâu hơn vào thị trường khu vực và thế giới. Nhưng ở góc độ nào đó, những tác động không mong muốn của tự do hóa là khó tránh.

Làm sao để hội nhập mà người nông dân không nghèo đi – đó là sứ mệnh, là mục tiêu, cũng là trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành.

theo Dân Việt  - Phạm Hoàng Lan

------------------------------------------------------------

Đường Cát Trắng

www.DuongCatTrang.com

0938 033 396 (Mr. Tín)

 


Tin tức liên quan

Bình luận