HOTLINE: 0938033396

Ngành mía đường vẫn loay hoay thoát khó

19/08/2014 | 2581 |
0 Đánh giá
Ngành mía đường vẫn đang gặp khó khăn trong việc: hạ giá thành, giảm tồn kho, tăng năng suất giống mía…

(HQ Online) - Giá thành sản phẩm cao, tiêu thụ thường xuyên gặp khó khiến lượng đường nằm trong kho ngày càng một lớn. Nhiều niên vụ trước và dự báo ngay cả trong niên vụ mới 2014-2015 này, bức tranh ảm đảm đó vẫn chưa có gì biến chuyển. Theo một số chuyên gia, để thoát khó, quan trọng nhất là ngành mía đường phải hạ được giá thành sản xuất, bắt đầu từ chính cây mía.

Năng suất nhích lên

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT: Vào giữa tháng 6/2014  khi kết thúc niên vụ 2013-2014, sản xuất mía đường hoàn thành kế hoạch đề ra với năng suất, chất lượng mía cao hơn các vụ trước. Cụ thể, với 309.400 ha mía trên cả nước (tăng hơn so với vụ trước 11.200 ha), năng suất mía bình quân đạt 64,7 tấn/ha (tăng 0,8 tấn/ha so với vụ trước). Sản lượng mía trong niên vụ này đạt 20,02 triệu tấn, với sản lượng đường đạt 1,6 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay.

Tại hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2013-2014 mới đây, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, do nhiều nhà máy đã thực hiện quy chuẩn quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu, cộng với thuận lợi về thời tiết nên chất lượng mía vụ này tiếp tục được nâng cao, chữ đường bình quân của mía đưa vào nhà máy chế biến đạt 10,3-10,5 CCS, cao hơn vụ trước 0,5-0,7 CCS.

Ông Đỗ Thành Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) bổ sung, hiện nay, Việt Nam có tất cả 41 nhà máy đường. Phần lớn các nhà máy đã mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời nâng cấp công nghệ, thiết bị hiện đại. Khả năng sản xuất của các nhà máy có thể đạt 2 triệu tấn đường/vụ. Trong đó, đường luyện chiếm 50% với 2 loại đường tinh luyện (RE) và đường kính trắng (RS). Về chất lượng, 2 loại sản phẩm chính là đường kính trắng và đường luyện đều bằng và có thể cao hơn tiêu chuẩn quốc tế.

Giá bán đi xuống

Trong niên vụ 2013-2014, lượng đường tiêu thụ trong nước cao hơn hẳn so với niên vụ trước đó. Cụ thể, tính từ đầu vụ 15/08/2013 đến 15/06/2014, tổng lượng đường các nhà máy bán ra là 1.356.530 tấn, tăng 147.990 tấn so với cùng kỳ năm trước. Mức tiêu thụ bình quân trong 10 tháng khoảng 108.880 tấn đường/tháng, cao hơn niên vụ trước 8.880 tấn/tháng.

Ông Đoàn Xuân Hòa đánh giá, lượng đường tiêu thụ trong nước tăng chủ yếu là do công tác chống buôn lậu tốt hơn nên lượng đường nhập lậu giảm. Tuy nhiên, đáng chú ý là  tiêu thụ đường có tăng lên nhưng giá bán lại theo chiều đi xuống. Cụ thể, từ tháng 8/2013 đến tháng 2/2014, giá bán đường liên tục giảm. Từ tháng 3/2014, do công tác chống buôn lậu biên giới Tây Nam có chuyển biến tích cực nên giá đường mới chững lại. Mới đây nhất, giá bán đường trong tháng 7 lại có xu hướng giảm hơn so với tháng 6.

Cũng theo ông Đoàn Xuân Hòa, năng lực cạnh tranh của các DN ngành mía đường kém, mấu chốt là do chi phí sản xuất gần như cao nhất thế giới. Điều này xuất phát từ thực tế quy hoạch cho các nhà máy đường hiện nay còn nhiều bất cập. Đặc biệt khu vực miền Bắc và miền Trung, các nhà máy có diện tích trồng mía thường ở trên cao, khó áp dụng cơ giới hóa và không có nước tưới. Một trong những điểm yếu nữa khiến DN mía đường ngày càng “tụt dốc không phanh” là quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ chưa được các DN quan tâm đúng mức. Điều đó thấy khá rõ thông qua việc, hiện nay chỉ có một số DN có ký kết hợp đồng với các hộ tiêu thụ lớn, còn lại đều phụ thuộc vào sức mua của thị trường.

Phải đột phá từ cây mía

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, để “cứu” ngành mía đường, mấu chốt là các nhà máy chế biến mía đường phải cải tổ lại sản xuất nhằm giảm giá thành. Đây không phải việc có thể thực hiện trong ngày một, ngày hai nhưng cần bắt tay vào làm nhanh chóng và nghiêm túc. Trước hết cần rà soát lại quy hoạch, bước đầu hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung đã gắn với các nhà máy chế biến; đồng thời rà soát lại các diện tích lúa gần nhà máy đường đang canh tác không đạt hiệu quả cao mà phù hợp với sản xuất mía sẽ chuyển dịch sang trồng mía. Ngoài ra, ngành cũng định hướng chuyển những diện tích mía ở trên đồi cao (diện tích trồng mía tận dụng, không có khả năng cơ giới hóa) sang trồng loại cây trồng khác hiệu quả hơn.

Theo một số chuyên gia, tính cạnh tranh kém của ngành mía đường Việt Nam chính là ở phần cây mía nguyên liệu, chứ không phải ở nhà máy. Bởi hiện nay các nhà máy đường phần lớn đã  đầu tư bài bản về thiết bị, công nghệ không thua kém các nước tiên tiến. Do đó, để ngành mía đường phát triển bền vững, cần cấu trúc lại diện tích trồng mía, thâm canh theo hướng hiện đại; sử dụng giống mía tốt, sạch bệnh dựa trên nền tảng nghiên cứu chọn tạo bài bản. Trong chế biến, cần tăng cường sản xuất phế phụ phẩm từ cây mía.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện rà soát, quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cho phù hợp với thực tiễn, trên cơ sở phân tích khoa học về tiềm năng, năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, các viện, trung tâm nghiên cứu tiếp tục khảo nghiệm, công bố các bộ giống mía phù hợp, cũng như xây dựng các quy trình thâm canh cho từng giống mía phù hợp với từng địa phương để các nhà máy áp dụng.

Uyển Như

------------------------------------------------------------

Đường Cát Trắng

www.DuongCatTrang.com

0938 033 396 (Mr. Tín)

 


Tin tức liên quan

Bình luận