3 nữ sinh trồng nấm thành công bằng rỉ đường
(TN) Công trình nghiên cứu “Sử dụng rỉ đường mía để sản xuất nấm thủy tiên trắng” của 3 nữ sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) đã đạt giải 3 Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2013-2014.
Ba nữ sinh đạt giải kể trên là Lê Quỳnh Chi, Trần Nguyễn Hà Phương và Lê Huyền Thương. Công trình nghiên cứu của các nữ sinh này đang có cơ hội “ẵm” giải thưởng của một cuộc thi mang tầm thế giới.
Lê Quỳnh Chi chia sẻ: lâu nay bà con nông dân trồng nấm thủy tiên trắng trên gỗ mùn, bã mía khô hoặc ướt. Các phương pháp này đều tiêu tốn nhiều công sức và thời gian, khoảng 3 tuần mới được một lứa nấm. Trong khi đó, cả nước có trên 40 nhà máy sản xuất mía đường, mỗi ngày thải ra một lượng rỉ đường rất lớn, nếu không được xử lý đúng quy trình sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. “Vì vậy, nhóm của cháu quyết định nghiên cứu tìm cách trồng nấm thủy tiên từ rỉ đường cho năng suất cao, rút ngắn thời gian mùa vụ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, Quỳnh Chi nói.
Khi bắt tay vào nghiên cứu, các nữ sinh đã gặp nhiều khó khăn do đây là đề tài mới, kỹ năng nghiên cứu còn hạn chế, lại chưa bao giờ làm công việc đồng áng, nhất là trồng nấm. Theo Nguyễn Trần Hà Phương, nhóm đã chia nhau tìm đọc tài liệu liên quan đến rỉ đường, trồng nấm, đi lấy rỉ đường, xuống tận đồng ruộng quan sát và học hỏi cách trồng nấm từ các nhà khoa học và bà con nông dân; cặm cụi trong phòng thí nghiệm, trồng thử nghiệm, xử lý các số liệu, gửi mẫu nấm đi kiểm định chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sau nhiều lần thí nghiệm bất thành, cuối cùng Hà Phương và những người bạn của mình đã tìm ra công thức pha loãng; xử lý và thanh trùng rỉ đường bằng nhiệt để loại bỏ chất keo và một số chất có hại cho quá trình sinh trưởng của nấm; đồng thời, tạo ra môi trường dinh dưỡng phù hợp cho trồng nấm bằng rỉ đường bằng việc bổ sung thêm Ure, đạm, magie sunfat... Trong đó, sáng kiến sử dụng lòng trắng trứng gà để xử lý rỉ đường đem lại kết quả khả quan nhất.
“Trồng nấm bằng rỉ đường mía theo phương pháp này không chỉ đem lại năng suất cao hơn, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn rút ngắn thời gian trồng nấm xuống chỉ còn 2 tuần”, Quỳnh Chi khoe.
Theo thầy giáo Lê Văn Vinh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường chuyên Lam Sơn, đây là công trình nghiên cứu có tính khả thi cao, hoàn toàn có thể áp dụng vào thực tế đời sống nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường.
“Sau khi dự án đạt được một thành tích nho nhỏ trong cuộc thi cấp quốc gia, chúng cháu may mắn được biết đến cuộc thi Youth Citizen Entrepreneurship Competition và quyết định đem dự án đi thi với mục tiêu đưa sáng tạo trẻ Việt Nam vươn tầm thế giới”, Lê Huyền Thương tâm sự.
Hiện công trình này đã lọt vào “Top 10” của cuộc thi Youth Citizen Entrepreneurship Competition do UNESCO phối hợp tổ chức. Nếu tiếp tục cải thiện được vị trí bầu chọn (tại địa chỉ https://www.youth-competition.org/groups/entrepreneurship-competition-2013/contests/2/949) cho đến hết ngày 31.7 này, dự án sẽ được vinh danh trong buổi lễ trao giải dự kiến diễn ra tại Đức.
Bùi Trần
www.rimatduong.com
------------------------------------------------------------
Đường Cát Trắng
0938 033 396 (Mr. Tín)
Xem thêm